Menu Đóng

Tối ưu hóa bộ câu hỏi của bạn – Nghệ thuật đặt câu hỏi thông minh hơn (Phần 2)

Tóm tắt: Trong bài viết trước, tác giả đã cung cấp một khuôn mẫu về năm loại câu hỏi cần đặt ra trong quá trình ra quyết định chiến lược: câu hỏi về điều tra, câu hỏi phỏng đoán, câu hỏi hiệu suất, câu hỏi diễn giải và câu hỏi chủ quan. Trong bài viết này, tác giả sẽ cung cấp 1 khung đánh giá cơ bản để bạn đọc đánh giá lại phong cách đặt câu hỏi hiện tại của mình. Sau khi đánh giá được phong cách của mình, bạn đọc có thể điều chỉnh bộ câu hỏi của mình qua 2 bước: thay đổi trọng tâm câu hỏi của bạn theo các nhu cầu bạn đang quan tâm; và tiếp xúc với những người có thể bù đắp cho những khuyết điểm của bạn.

Các thành viên trong đội nhóm có thể không chia sẻ những nỗi lo âu của họ, đơn giản chỉ vì không có ai làm như vậy – Đây là một hiện tượng tâm lý xã hội được gọi là “Sự vô tri đa nguyên” (Pluralistic Ignorance).

Cân Bằng Bộ Câu Hỏi Của Bạn

Chúng tôi đã tạo ra một công cụ để giúp mọi người đánh giá phong cách đặt câu hỏi của mình và cung cấp nó cho 1.200 giám đốc điều hành trên toàn cầu. Mặc dù kết hợp lại kết quả cho thấy sự phân bố đồng đều giữa năm phong cách mà chúng tôi đã mô tả, các câu trả lời của riêng mỗi người cho thấy sự mất cân bằng lớn. Hơn một phần ba số giám đốc điều hành cho biết một hoặc một nhóm câu hỏi khác hầu như không được họ quan tâm đến. Và các cuộc phỏng vấn theo sau cho thấy nhiều nhà lãnh đạo quá phụ thuộc vào các loại câu hỏi mang lại thành công cho họ. Họ dựa vào những câu hỏi đó thay vì các loại câu hỏi khác.

Đánh giá phong cách đặt câu hỏi hiện tại của bạn. Tự nhận thức về bản thân tất nhiên sẽ là bước đầu tiên cần thiết để khắc phục hoặc bù đắp những điểm yếu. Để hiểu sâu hơn về sở thích và thói quen đặt câu hỏi của bạn, bạn có thể thực hiện phiên bản rút gọn bài tự đánh giá của chúng tôi. Sau khi xác định được điểm mạnh và điểm yếu của mình, ba chiến thuật sau có thể cải thiện sự kết hợp các câu hỏi của bạn: Bạn có thể điều chỉnh bộ câu hỏi của mình; thay đổi trọng tâm câu hỏi của bạn theo các nhu cầu bạn đang quan tâm; và tiếp xúc với những người có thể bù đắp cho những khuyết điểm của bạn.

Bộ câu hỏi của bạn là gì?

Các câu hỏi dưới đây được trích từ bài tự đánh giá đã sử dụng với các giám đốc điều hành và nhóm của họ. Cách diễn đạt của bài đánh giá  ở đây rất trực quan để tránh sự mơ hồ, nhưng bạn có thể linh hoạt sử dụng, tùy chỉnh trong thực tế. Hãy suy ngẫm về năm nhóm câu hỏi và suy nghĩ xem nhóm nào đến với bạn một cách tự nhiên nhất và nhóm nào khiến bạn cảm thấy ít thoải mái hơn, hãy đánh giá chúng trên thang điểm từ 1 đến 5 (với 1 – ”không thuộc kho câu hỏi của tôi” và 5 – ”một trong những câu hỏi yêu thích của tôi”). So sánh tổng điểm của mỗi phần và hãy tập trung vào các nhóm có điểm thấp nhất.

Điều traPhỏng đoánHiệu suấtDiễn giảiChủ quan
Chuyện gì đã xảy ra?Có những tình huống nào khác có thể xảy ra?Bước tiếp theo là gì?Chúng ta đã học được gì từ thông tin mới này?Bạn cảm thấy thế nào về quyết định này?
Cái gì vận hành tốt và cái gì không vận hành?Chúng ta có thể làm việc này theo hướng khác không?Chúng ta cần đạt được điều gì trước khi thực hiện bước tiếp theo?Thông tin này có ý nghĩa gì đối với hành động hiện tại và sau này của chúng ta?Có sự khác biệt nào giữa những gì đã nói, những gì đã nghe và những gì đã muốn hay không?
Nguyên nhân của vấn đề là gì?Chúng ta còn đề xuất gì khác nữa không?Chúng ta có đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện việc này không?Mục tiêu bao quát của chúng ta nên là gì?Chúng ta đã tham khảo ý kiến của những người phù hợp chưa?
Mức độ khả thi và mức độ mong muốn của từng lựa chọn là như thế nào?Chúng ta có thể đơn giản hóa, kết hợp, sửa đổi, đảo ngược hoặc loại bỏ những gì?Chúng ta đã biết đủ sâu để tiến hành chưa?Thông tin này có liên quan gì đến mục tiêu đó?Tất cả các bên liên quan có thực sự đồng ý với nhau hay không?
Bằng chứng nào củng cố cho kế hoạch đề xuất này?Còn giải pháp nào tiềm năng mà chúng ta chưa xem qua không ?Chúng ta đã sẵn sàng để tiến hành chưa?Chúng ta đang cố gắng đạt được điều gì?

Điều chỉnh kho câu hỏi của bạn. Sau khi xác định được loại câu hỏi nào làm bạn cảm thấy thoải mái nhất và ít thoải mái nhất khi đặt ra, bạn cần tạo ra một bộ câu hỏi cân bằng hơn. Một cách để bắt đầu là hãy nhắc nhở bản thân về năm loại câu hỏi trước khi bắt đầu một cuộc họp về ra quyết định và đảm bảo rằng bạn đang cân nhắc tất cả chúng. Giám đốc điều hành nhân sự (CHRO) tại một công ty công nghệ lớn mà chúng tôi hợp tác đã yêu cầu chúng tôi hiển thị khung câu hỏi trên trong suốt một chương trình quan trọng của công ty. 

Bạn cũng có thể thử đặt các câu hỏi thuộc các loại yếu của mình trong một vài tình huống có rủi ro thấp. Điều đó sẽ giúp bạn hiểu ra cách mà những câu hỏi bạn không quen hỏi có thể mở ra một chủ đề mới như thế nào. Steven Baert, cựu giám đốc nhân sự và tổ chức tại Novartis, đã mô tả quá trình của mình trên podcast The Curious Advantage. “Trước đây [tôi tập trung vào] lắng nghe để sửa chữa”, ông nói với người dẫn chương trình. “Bạn gặp vấn đề. Tôi cần một vài dữ liệu từ bạn để tôi có thể giải quyết vấn đề.’ [Nhưng bây giờ] tôi đang thực hành lắng nghe để học hỏi.”

Còn một bước nữa liên quan đến việc điều chỉnh bộ câu hỏi của bạn: Bạn có thể cần loại bỏ một số loại câu hỏi đã từng hiệu quả với bạn trong quá khứ. Vấn đề này được nêu bật trong hồ sơ của Financial Times về Erick Brimen, Giám đốc điều hành của nhóm đầu tư NeWay Capital, người tự mô tả mình là một nhà quản lý vi mô cứng đầu, luôn tập trung hướng đến mục tiêu. Ông nói: “Bài học tôi rút ra được là buông bỏ câu hỏi ‘Làm thế nào để đến đó?’ và tập trung vào ‘Chúng ta đang đi đến đâu?”.

Thay đổi trọng tâm. Bộ câu hỏi của bạn nên là một mục tiêu luôn thay đổi, đặc biệt nếu bạn hiện đang ở một vai trò, công ty hoặc ngành mới. Ví dụ, khi bạn nhận trách nhiệm lớn hơn, bạn sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày càng phức tạp, không chỉ bởi vì chúng có nhiều yếu tố hơn mà còn vì bạn được phép thực hiện những bước nhảy vọt lớn hơn. Suy ngẫm về định hướng của chính mình, Patricia Corsi, giám đốc tiếp thị, kỹ thuật số và thông tin của Bayer Consumer Health, nói với chúng tôi: “Khi sự nghiệp của bạn thăng tiến, bạn sẽ được cung cấp những bước đi mạo hiểm hơn, vào những công việc bạn chưa từng làm, lĩnh vực bạn không biết và những thách thức bạn chưa từng trải qua…. [Mọi người] đánh cược vào khả năng đặt câu hỏi của bạn, điều đó sẽ giúp bạn học hỏi.”

Với mỗi lần thay đổi công việc, bạn sẽ đối mặt với thử thách phải thích nghi. Bộ câu hỏi đã từng hiệu quả với bạn và giúp bạn có được vai trò mới giờ đây có thể khiến bạn đi lạc lối. Chúng tôi đã nói chuyện với Larry Dominique khi ông đang điều chỉnh vị trí mới của mình với tư cách là Phó chủ tịch cấp cao và Giám đốc của Alfa Romeo và Fiat Bắc Mỹ. “Rút ra từ kinh nghiệm làm kỹ sư, tôi sẽ đi sâu hơn vào chi phí, hiệu quả quản lý nguồn lực và sự hài lòng của khách hàng”, ông nói. Nhưng ông nhận ra nguy cơ chỉ phát huy những thế mạnh đã có của mình: “Tôi phải tự nhắc nhở bản thân rằng giá trị thực sự của tôi với tư cách là một nhà lãnh đạo là cung cấp bức tranh toàn cảnh và vượt ra ngoài những câu hỏi khiến tôi cảm thấy thoải mái.”

Tìm người có thể bù đắp cho bạn. Như đã lưu ý trước đó, bạn không cần phải tự mình nghĩ ra tất cả các câu hỏi; đó nên là một nỗ lực của cả nhóm. José Muñoz, chủ tịch toàn cầu và giám đốc điều hành của Hyundai Motor Company, đôi khi ủy quyền cho người khác đặt câu hỏi. “Người đặt câu hỏi nên là người được trang bị tốt nhất”, ông nói với chúng tôi. “Là một người sếp, tôi có thể mời một ai đó trong nhóm của mình tiếp tục dòng câu hỏi.” Sau khi hoàn thành bài tự đánh giá, Robert Jasiński, khi đó là giám đốc điều hành của Danone tại Romania, cho biết: “Tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến những câu tôi ít quan tâm nhất [câu hỏi về phỏng đoán]. Và nếu ai đó trong nhóm của tôi là một nhà tư duy sáng tạo giỏi, tôi sẽ lắng nghe những gì họ nói một cách tốt hơn.”

Với tư cách là một nhà lãnh đạo, bạn có trách nhiệm phải nhận ra những góc nhìn thiếu sót và tạo cơ hội cho mọi người đóng góp. Gilles Morel, chủ tịch của Whirlpool Châu u, Trung Đông và Châu Phi, nói với chúng tôi: “Tôi cần tạo không gian cho những người không giống tôi để đặt những câu hỏi mà tôi không giỏi đặt ra.” Nhưng để mọi người tham gia vào có thể không dễ dàng. Thay đổi phong cách lãnh đạo sang cách tiếp cận tò mò hơn có thể tạo cảm giác đe dọa. Và cùng một câu hỏi có thể gợi ra ý kiến đóng góp hoặc thái độ phòng thủ, tùy thuộc vào cách diễn đạt. Một chuyên gia nhân sự thấy rằng các câu hỏi “Tại sao?” đôi khi gây ra sự phản kháng và việc chuyển đổi đơn giản sang “Làm sao…?” sẽ mang lại kết quả tốt hơn. David Loew, Giám đốc điều hành của công ty dược phẩm sinh học Ipsen, nói với chúng tôi: “Nếu bạn bắt đầu đặt ra những câu hỏi đóng hoặc những câu hỏi gài, chẳng hạn như ‘Tại sao bạn lại làm như thế này?’, nó có thể giống như một cuộc thẩm vấn của cảnh sát. Điều đó tạo ra một không gian không an toàn và sự lo lắng sẽ bao trùm lên phần còn lại của nhóm.”

Một điều cũng không kém phần quan trọng đó là thái độ và ý định của người đặt câu hỏi. Ví dụ, câu hỏi “Mọi người có ổn với điều đó không?” có thể hiểu là một lời mời chân thành để chia sẻ những nghi ngờ hoặc cũng có thể là một cách để chấm dứt cuộc thảo luận. “Khi tôi đặt những câu hỏi hóc búa, tôi nói rõ rằng không có vấn đề gì nếu bạn không có câu trả lời, hoặc nếu bạn không có nó liền,” Charles Bouaziz, Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ y tế MTD, nói với chúng tôi. “Giọng điệu của bạn thường quan trọng hơn câu hỏi. Mọi người đôi khi cho rằng bạn đang kiểm tra họ.” Các vấn đề về diễn giải trở nên khó khăn hơn trong các cuộc họp trực tuyến, nơi mà ý định của mỗi người sẽ khó đánh giá hơn; bạn không thể chắc chắn được câu hỏi của mình đã đi đến đâu. Lisa Curtis, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Kuli Kuli Foods, viết trên tạp chí Inc: “Nếu không có đầy đủ các tín hiệu cơ thể như trong các cuộc họp trực tiếp, các nhà lãnh đạo phải dựa vào việc đặt ra những câu hỏi đúng nhiều hơn và lắng nghe những hiểu lầm hoặc điểm gây tranh cãi.”

Bạn sẽ cần phải giáo dục đội nhóm của mình về các loại câu hỏi khác nhau và tầm quan trọng của việc chú ý đến tất cả chúng. Một số giám đốc điều hành thành công nhất mà chúng tôi biết luôn bắt đầu các cuộc trò chuyện với những người mới bằng cách tạo ra một không gian an toàn, thể hiện sự cởi mở và sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến. Họ hoạt động trong cái mà tác giả của “Change Your Questions, Change Your Life” Marilee Adams (Thay đổi câu hỏi của bạn, thay đổi cuộc sống của bạn), người sáng lập Viện Inquiry gọi là “chế độ học hỏi”, trái ngược với “chế độ phán xét”. “Chế độ học hỏi” thì tập trung vào các giả định, khả năng, giải pháp và hành động có ý nghĩa. “Chế độ phán xét” thì lại thụ động và thiếu tầm nhìn xa, tập trung vào việc phát hiện xem ai là người đáng trách.

Nhưng ngay cả khi toàn bộ nhóm đều tham gia đóng góp, thì cũng không có gì đảm bảo rằng cả 5 loại câu hỏi sẽ được đề cập đến, đặc biệt là trong những tình huống căng thẳng. Các thành viên của đội nhóm có thể có một điểm mù chung. Nếu đúng như vậy, hãy thử giao một loại câu hỏi cho mỗi thành viên — ít nhất là cho đến khi bộ câu hỏi của nhóm đã được cân bằng hợp lý.

Đối với Gilles Morel, mục tiêu cuối cùng đã rõ ràng. “Tôi muốn tạo ra một tư duy đặt câu hỏi trong nhóm”, ông nói. “Tôi cần phải tạo ra sân khấu để sự tò mò của tôi được khuếch đại bởi sự tò mò của những người khác. Những câu hỏi của họ nên kích thích tôi phải đặt ra câu hỏi.” Nhận xét của ông ấy lại củng cố niềm tin của Jensen Huang rằng lãnh đạo phải bao gồm việc “khiến mọi người đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi”.

Bằng cách xác định những điểm mạnh và điểm yếu trong phong cách đặt câu hỏi của bạn và cân nhắc đến 5 loại câu hỏi mà chúng tôi đã nêu ra, bạn và đội nhóm của bạn có thể đưa ra các quyết định chiến lược thông minh hơn. Bạn sẽ có nhiều khả năng bao quát tất cả các lĩnh vực quan trọng cần được khám phá – và bạn sẽ có thể khai thác thông tin, quan niệm và các lựa chọn mà bạn đã bỏ qua.

Được chuyển ngữ từ bài viết “The Art of Asking Smarter Questions” đăng tải trên website Harvard Business Review bởi tác giả Arnaud Chevallier, Frédéric Dalsace, và Jean-Louis Barsoux.

Được dịch bởi Nguyễn Đỗ Minh Đức.

Kênh thông tin liên hệ và kết nối cùng PnB Education:

🌐 Website: http://pnb.edu.vn/

📧 Email: [email protected]

☎ Hotline/Zalo: 0986.2010.32 (Ms. Huyền)

🎙 Tiktok: https://www.tiktok.com/@haudang.pnb

🎬 Youtube: https://www.youtube.com/@pnbeducation

🛎 Facebook Page: https://www.facebook.com/TochucgiaoducPnB

📌 Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/giaotiepmoingay

🏘 Zalo Group: https://zalo.me/g/apfeuq097

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *