Tóm tắt: Tất cả chúng ta đều đang đi tìm kiếm mục đích của cuộc đời mình. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy rằng chúng ta chưa bao giờ thực sự tìm thấy nó, hoặc là đã đánh mất nó, hoặc theo cách nào đó chúng ta đang thiếu nó. Nhưng giữa tất cả những lo lắng này, chúng ta đang mắc phải những quan niệm sai lầm cơ bản về mục đích. Việc thách thức lại những quan niệm sai lầm này có thể giúp chúng ta có góc nhìn đa chiều hơn về mục đích. Quan niệm sai lầm đầu tiên là mục đích là thứ bạn tìm thấy. Mục đích là thứ bạn xây dựng chứ không phải là thứ bạn tìm thấy. Quan niệm sai lầm thứ hai là mục đích chỉ là một thứ duy nhất. Hầu hết chúng ta sẽ có nhiều mục đích khác nhau trong cuộc sống – chẳng hạn như trong công việc, gia đình hoặc cộng đồng. Việc thừa nhận rằng có nhiều mục đích khác nhau này sẽ giúp giảm bớt áp lực trong việc tìm kiếm một điều duy nhất mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Quan niệm sai lầm cuối cùng là mục đích sẽ ổn định theo thời gian. Giống như việc tất cả chúng ta đều tìm thấy ý nghĩa ở nhiều khía cạnh khác nhau, bản thân cái ý nghĩa đó cũng có thể sẽ thay đổi theo thời gian.
Kể từ khi Daniel Gulati, Oliver Segovia và tôi xuất bản cuốn sách “Đam mê & Mục đích” vào sáu năm trước, tôi đã nhận được hàng trăm câu hỏi – từ cả người trẻ và người lớn tuổi – về mục đích. Tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm mục đích. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy rằng chúng ta chưa bao giờ thực sự tìm thấy nó, hoặc là đã đánh mất nó, hoặc theo cách nào đó chúng ta đang thiếu nó.
Nhưng giữa tất cả những lo lắng này, chúng ta đang mắc phải những quan niệm sai lầm cơ bản về mục đích – được gói gọn trong câu hỏi mà tôi nhận được thường xuyên nhất: “Làm thế nào để tôi tìm được mục đích của cuộc đời mình?”. Việc thách thức lại những quan niệm sai lầm này có thể giúp chúng ta có góc nhìn đa chiều hơn về mục đích.
Quan niệm sai lầm số 1: Mục đích chỉ là thứ bạn tìm thấy.
Tôi từng đọc được một câu nói truyền cảm hứng của Mark Twain trên mạng xã hội: “Hai ngày quan trọng nhất trong cuộc đời bạn là ngày bạn sinh ra và ngày bạn tìm ra lý do tại sao”. Nó trình bày rõ ràng điều mà tôi gọi là “phiên bản Hollywood” của mục đích. Giống như Neo trong “The Matrix” hay Rey trong “Star Wars”- khi mà tất cả chúng ta đều chỉ lướt qua những gì xảy ra trong cuộc sống của mình cho tới khi số phận mang đến cho chúng ta một sứ mệnh cao cả hơn.
Đừng hiểu lầm ý tôi ở đây vì thực ra điều đó có thể xảy ra theo một cách nào đó. Gần đây tôi đã thấy Scott Harrison của Charity Water phát biểu, và theo nhiều cách, câu chuyện của anh ấy là về cách anh ấy tìm thấy mục đích cao cả hơn sau một thời gian lang thang. Nhưng tôi nghĩ câu chuyện này hiếm xảy ra ở trong thực tế hơn mọi người nghĩ. Đối với một thanh niên 20 tuổi đang học đại học hoặc một người 40 tuổi đang làm một công việc không như ý, thì cái mong muốn sẽ đột nhiên có một phép màu giúp bạn tìm ra được một công việc mang lại ý nghĩa cho cuộc sống có nhiều khả năng sẽ khiến bạn thất vọng hơn là hài lòng.
Để đạt được mục đích nghề nghiệp, hầu hết chúng ta phải tập trung vào việc tự làm cho công việc của mình trở nên ý nghĩa y như cách ta tìm ra ý nghĩa từ công việc đó vậy. Nói cách khác, mục đích là thứ bạn xây dựng chứ không phải thứ bạn tìm thấy. Hầu hết mọi công việc đều có thể có mục đích riêng của nó. Tài xế xe buýt trường học chịu trách nhiệm to lớn trong việc chăm sóc và giữ an toàn cho hàng chục trẻ em, và là một phần thiết yếu trong việc đảm bảo con em chúng ta nhận được nền giáo dục mà các em cần và xứng đáng được hưởng. Y tá đóng một vai trò thiết yếu không chỉ trong việc điều trị tình trạng bệnh lý của mọi người mà còn hướng dẫn họ vượt qua những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc sống. Nhân viên thu ngân có thể là người có những cử chỉ thân thiện, làm cho tinh thần trong ngày của ai đó tốt hơn nhiều hoặc tệ đi. Nhưng trong các trường hợp trên, mục đích thường bắt nguồn chủ yếu từ việc tập trung vào những điều có ý nghĩa và có mục đích trong công việc cũng như việc thực hiện nó theo cách mà ý nghĩa đó được tăng lên và được trân trọng hơn. Đương nhiên là một số công việc mang lại cảm giác ý nghĩa một cách tự nhiên hơn, nhưng với nhiều công việc khác thì chúng ta cần đầu tư ít nhất là một số nỗ lực để đạt được mục đích mà chúng ta đang tìm kiếm.
Quan niệm sai lầm số 2: Mục đích là một điều duy nhất.
Quan niệm sai lầm thứ hai mà tôi thường nghe là mục đích có thể được trình bày rõ ràng như một thứ duy nhất. Một số người thực sự dường như có một mục đích lớn lao trong cuộc sống của họ. Mẹ Teresa đã sống cuộc đời của mình để phục vụ người nghèo. Samuel Johnson đã dồn hết tâm huyết vào bài viết của mình. Marie Curie đã cống hiến hết tâm sức cho công việc của mình.
Tuy nhiên, ngay cả những ngôi sao sáng này cũng có những mục đích khác trong cuộc sống của họ. Việc mẹ Teresa phục vụ người nghèo chỉ là một phần của những điều mà bà tin là sứ mệnh cao cả hơn. Curie, nhà khoa học đoạt giải Nobel, cũng là một người vợ, người mẹ tận tụy (bà đã viết tiểu sử về chồng mình là Pierre, và một trong những người con gái của bà – Irene, cũng đã giành được giải Nobel cho riêng mình). Và Johnson, ngoài việc viết lách, còn được biết đến là một nhà nhân đạo vĩ đại trong cộng đồng của mình, thường quan tâm đến người nghèo.
Hầu hết chúng ta sẽ có nhiều mục đích khác nhau trong cuộc sống. Đối với tôi, tôi tìm thấy mục đích trong con cái, cuộc hôn nhân, đức tin, công việc viết lách, sự nghiệp và cộng đồng của mình. Đối với hầu hết mọi người, không có thứ gì chúng ta có thể tìm thấy. Đó không phải chỉ là một mục đích duy nhất mà là nhiều mục đích khác nhau mà chúng ta đang tìm kiếm – sự đa dạng về những ý nghĩa mà ta tìm thấy ở nhiều khía cạnh khác nhau sẽ giúp chúng ta tìm thấy giá trị trong công việc và cuộc sống của mình. Các cam kết nghề nghiệp chỉ là một phần của ý nghĩa này và thường thì công việc của chúng ta không phải là mục đích trọng tâm mà chỉ là phương tiện để giúp đỡ người khác, bao gồm cả gia đình và cộng đồng của chúng ta. Việc thừa nhận nhiều mục đích khác nhau này sẽ giúp giảm bớt áp lực trong việc tìm kiếm một điều duy nhất mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.
Quan niệm sai lầm số 3: Mục đích ổn định theo thời gian.
Hiện nay, việc mọi người có nhiều nghề nghiệp trong đời là điều bình thường. Ví dụ, tôi biết một cá nhân gần đây đã rời bỏ sự nghiệp đầu tư vốn cổ phần tư nhân thành công để thành lập một công ty khởi nghiệp. Tôi biết thêm hai người gần đây đã rời bỏ sự nghiệp kinh doanh để tranh cử vào các chức vụ dân cử. Và cho dù chúng ta có chuyển đổi các cam kết nghề nghiệp hay không, hầu hết chúng ta sẽ trải qua các giai đoạn cá nhân mà trong đó, ý nghĩa của chúng ta thay đổi – chẳng hạn một số giai đoạn như: thời thơ ấu, tuổi thiếu niên, đến vai trò làm cha mẹ, đến tuổi chứng kiến con mình trưởng thành.
Sự phát triển này trong mục đích của chúng ta không hề mong manh hay thể hiện sự thiếu cam kết mà là tự nhiên và tốt đẹp. Giống như tất cả chúng ta đều tìm thấy ý nghĩa ở nhiều nơi, nguồn gốc của ý nghĩa đó có thể và thực sự thay đổi theo thời gian. Tôi ý thức được rằng mục đích của tôi ở tuổi 20 khác biệt đáng kể so với bây giờ về nhiều mặt và điều tương tự cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai bạn gặp.
Làm thế nào để bạn tìm thấy mục đích của bạn? Đó là một câu hỏi sai lầm. Chúng ta nên tìm cách khiến cho mọi việc chúng ta làm đều có mục đích, cho phép nhiều ý nghĩa khác nhau phát triển một cách tự nhiên trong cuộc sống của chúng ta và cảm thấy thoải mái với việc những ý nghĩa đó thay đổi theo thời gian. Việc giải thích ý nghĩa của “mục đích” có thể cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về sự hiện diện và vai trò của nó trong cuộc sống của chúng ta.
Được chuyển ngữ từ bài viết “You Don’t Find Your Purpose — You Build It”, đăng tải trên website của Harvard Business Review bởi tác giả John Coleman.
Được dịch bởi Nguyễn Ngọc Lê Anh.
Kênh thông tin liên hệ và kết nối cùng PnB Education:
Website: http://pnb.edu.vn/
Email: [email protected]
Hotline/Zalo: 0986.2010.32 (Ms. Huyền)
Tiktok: https://www.tiktok.com/@haudang.pnb
Youtube: https://www.youtube.com/@pnbeducation
Facebook Page: https://www.facebook.com/TochucgiaoducPnB
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/giaotiepmoingay
Zalo Group: https://zalo.me/g/apfeuq097