Tóm tắt: Bạn có biết “mục đích sống” của mình là gì không? Nếu bạn háo hức tìm thấy nó, dưới đây là ba hành động bạn có thể thực hiện ngay bây giờ để tìm ra nó:
- Tìm kiếm những trải nghiệm mới và vượt qua giới hạn của chính mình. Điều quan trọng là nuôi dưỡng niềm đam mê của bạn và tìm kiếm những trải nghiệm giúp bạn khám phá ra sở thích của mình có thể giúp ích như thế nào cho cuộc sống của người khác và có ý nghĩa gì với cá nhân họ. Hãy tự hỏi: Ai hoặc điều gì truyền cảm hứng cho tôi thoát ra khỏi vùng an toàn của mình và kết nối với thế giới bên ngoài? Bước đầu tiên đơn giản mà tôi có thể thực hiện ngay bây giờ để bắt đầu khám phá các cơ hội nghề nghiệp có ích cho xã hội là gì?
- Hãy suy ngẫm về những trải nghiệm của bạn. Tuy nhiên, kinh nghiệm thôi là chưa đủ. Điều quan trọng là bạn phải suy ngẫm về những trải nghiệm của mình và tìm thấy ý nghĩa trong đó. Một số câu hỏi suy ngẫm mà bạn có thể tự hỏi mình bao gồm: Trải nghiệm này đã hình thành nên con người tôi như thế nào? Nó tác động đến hệ giá trị và thế giới quan của tôi như thế nào? Câu trả lời của bạn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các khía cạnh của trải nghiệm mà bạn thích nhất, rút ra ý nghĩa từ đó và tiếp tục theo đuổi những ý nghĩa khác.
- Chia sẻ về mục tiêu cuộc sống của bạn và thu thập ý kiến phản hồi từ những người xung quanh. Sau khi bạn đã tự phản tư bản thân, điều quan trọng là phải chia sẻ những suy nghĩ của bạn với các bạn bè đồng chang lứa (chứ không chỉ với nhà trị liệu, với huấn luyện viên hoặc cố vấn). Những cuộc trò chuyện này có thể mang đến cho bạn những góc nhìn đa chiều và giúp bạn nhìn nhận mục tiêu của mình dưới một góc nhìn mới. Bạn có thể chia sẻ với bạn mình: “Gần đây tôi đang suy nghĩ về những điều tôi mong muốn trong cuộc sống và rất muốn chia sẻ ý tưởng của mình với ai đó. Bạn có thời gian để mình trò chuyện không? Tôi cũng rất thích tìm hiểu về mục tiêu trong cuộc sống của bạn.”
Bạn có cảm thấy mình có ý thức mạnh mẽ về mục đích sống mà đã thôi thúc bạn đạt được các tham vọng trong sự nghiệp của mình không?
Mục đích sống có thể được định nghĩa là một ý định tổng thể có ý nghĩa đối với cá nhân bạn và có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới bên ngoài bạn. Mục đích sống của bạn có thể giúp bạn lên kế hoạch cho cuộc sống, giúp bạn xác định một phương hướng rõ ràng và thúc đẩy bạn – đặc biệt là khi bạn gặp phải những khó khăn hoặc cảm xúc thất vọng không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Ví dụ: có thể bạn luôn có mong muốn mạnh mẽ được đóng góp cho những điều tốt đẹp hơn, khiến bạn theo đuổi nghề y hoặc công việc phi lợi nhuận. Hoặc có thể bạn tràn đầy năng lượng nhất khi nâng đỡ người khác và muốn giúp họ giải trí thông qua sự nghiệp sáng tạo. Hoặc có thể bạn vẫn đang tìm ra mục đích sống của mình – điều đó cũng không sao cả. Trên thực tế, một ước tính cho thấy chỉ 1/5 số người trẻ hiểu rõ mục đích sống của mình.
Việc tìm ra mục đích sống sớm có thể mang lại lợi ích cho bạn theo nhiều cách. Những người có ý thức mạnh mẽ về mục đích sống ở độ tuổi trẻ hơn thường có sức khỏe tinh thần tốt hơn và kiên cường hơn trước những thất bại. Tìm ra mục đích sống của mình cũng là tiền đề để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả và làm việc trong một sự nghiệp có ý nghĩa có thể tạo ra tác động tích cực.
Vậy thì cần những gì để tìm thấy mục đích sống của bạn?
Làm sao để tìm ra mục đích sống của mình ?
1) Tìm kiếm những trải nghiệm mới và vượt qua giới hạn của chính mình.
Dữ liệu của chúng tôi tiết lộ rằng bước đầu tiên để tìm ra mục đích sống của bạn là tham gia vào những trải nghiệm cuộc sống và nghề nghiệp đa dạng. Những người cho biết có ý thức mạnh mẽ về mục đích sống trong nghiên cứu của chúng tôi đã dành một lượng thời gian đáng kể để nuôi dưỡng niềm đam mê của họ – trong mọi lĩnh vực, từ sinh học đến nghệ thuật. Hơn nữa, họ không chờ đợi niềm đam mê của mình xuất hiện vào một ngày nào đó. Đúng như nghiên cứu cho thấy, niềm đam mê của họ phát triển từ những trải nghiệm giúp trau dồi các kỹ năng với việc nghiêm túc theo đuổi các sở thích của mình.
Nhưng sở thích và đam mê cá nhân chỉ là một phần của hành trình này. Mục đích của một người bắt đầu xuất hiện một cách đầy đủ hơn khi chúng ta tìm ra cách kết nối sở thích của mình với thế giới bên ngoài. Đối với những người trẻ tuổi trong thí nghiệm của chúng tôi, điều này có nghĩa là tìm kiếm những trải nghiệm giúp họ khám phá ra sở thích của mình có thể giúp ích như thế nào cho cuộc sống của người khác và có ý nghĩa gì với cá nhân họ.
Ví dụ: nhiều người tham gia thí nghiệm của chúng tôi đã chia sẻ tác động của việc tham gia vào các hoạt động “có ích cho xã hội”, chẳng hạn như công việc tình nguyện hoặc phi lợi nhuận, làm trợ lý cho các giáo viên hoặc chuyên gia y tế hoặc tham gia vào các công việc có lợi nhuận hoặc khởi nghiệp để đóng góp cho những điều tốt đẹp hơn. Để khám phá những cơ hội việc làm có ích cho xã hội, những sinh viên đã tìm ra mục đích sống của mình trong nghiên cứu của chúng tôi đã tận dụng các mối quan hệ xã hội của họ để tìm cơ hội thực tập hoặc gặp gỡ các chuyên gia để học hỏi kinh nghiệm của họ trong những vị trí công việc này.
Họ cũng đặc biệt nhấn mạnh lợi ích của việc ở trong môi trường- nơi mà họ có thể gặp gỡ những người có hoàn cảnh kinh tế xã hội đa dạng. Đối với một số người, những môi trường này có thể tiếp cận được ở trường của họ, nhưng với một số người khác thì họ tìm kiếm những môi trường này thông qua việc thực tập, hoạt động ngoại khóa hoặc các chương trình khác bên ngoài trường học. Việc tìm kiếm những trải nghiệm đa dạng có thể mang lại cho bạn góc nhìn đa chiều về các vấn đề xã hội và giúp bạn hiểu rõ hơn các giá trị và niềm tin của mình. Một sinh viên đã tìm ra mục đích cao cả của mình chia sẻ rằng: “Môi trường đa văn hóa này đã giúp tôi có tầm nhìn tốt hơn về cuộc sống”.
Nhưng tích lũy kinh nghiệm thôi là chưa đủ. Những sinh viên có mục đích sống cũng đã thể hiện sự cam kết trong việc áp dụng những gì họ học được qua các trải nghiệm của mình để có những hành động đúng đắn mỗi ngày. Họ bày tỏ sự quan tâm về những điều gì tạo ra ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực cho người khác và chia sẻ về việc muốn “làm điều đúng đắn” và giúp đỡ những người khác trong cuộc sống của họ bất cứ khi nào họ có thể.
Tuy nhiên, những trải nghiệm như thế này sẽ không đột nhiên từ trên trời rớt xuống. Như những gì mà chúng tôi đã rút ra được từ những người trẻ có mục đích sống này, việc tìm kiếm mục đích sống đòi hỏi sự chủ động lăn xả trong cuộc sống. Nếu bạn mong muốn tích lũy thêm kinh nghiệm để giúp bạn xác định được mục đích sống của mình, nhưng bạn không biết bắt đầu từ đâu, hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:
- Ai hoặc điều gì truyền cảm hứng cho tôi bước ra khỏi vùng an toàn của mình và kết nối với thế giới bên ngoài?
- Làm cách nào tôi có thể kết nối một cách sâu sắc với những cá nhân và cộng đồng có nền tảng gia đình, niềm tin và hệ giá trị khác tôi?
- Bước đầu tiên và đơn giản mà tôi có thể thực hiện ngay bây giờ để bắt đầu khám phá các cơ hội nghề nghiệp có ích cho xã hội là gì?
2) Phản tư về trải nghiệm của bạn.
Tuy nhiên, trải nghiệm thôi là chưa đủ. Nghiên cứu của chúng tôi cũng phát hiện ra rằng những người sống có mục đích có thiên hướng kết hợp giữa việc có những trải nghiệm sống đa dạng và việc phản tư về chúng. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy những cá nhân này không chỉ hồi tưởng lại các hoạt động của mình, mà họ còn suy ngẫm về những bài học mà những trải nghiệm đó mang lại cho họ. Như một sinh viên đã nói:
Bố mẹ tôi đều là bác sĩ nên ngay từ khi tôi còn nhỏ, khi nhìn thấy họ làm việc trong bệnh viện, tôi đã rất thích thú khi thấy họ làm việc. Tôi cũng thấy được tác động tích cực của công việc đó đối với những người xung quanh từ cách mà mọi người cảm ơn họ, từ những lời nói tử tế, những cuộc gọi điện thoại cho đến những món quà nhỏ. Tôi yêu thích việc làm điều mình yêu thích và đồng thời, điều đó cũng có ích cho người khác. Khi lớn lên, cảm giác này không chỉ nằm trong ý nghĩ của tôi, mà tôi còn muốn trở thành bác sĩ. Vì vậy, việc bố mẹ tôi chỉ là chính mình, đưa tôi vào lớp học hoặc phòng phẫu thuật của họ và cho tôi biết những gì họ làm một cách chi tiết đã giúp ích cho tôi trong quá trình khám phá mục đích sống của mình.
Tuy nhiên, không phải tất cả sự phản tư đều sẽ mang lại cho bạn cái nhìn sâu sắc về mục đích sống của mình. Sự phản ánh của bạn phải hướng tới việc tìm kiếm ý nghĩa tích cực – các nhà tâm lý học gọi đây là “sự phản tư thích ứng”. Khi bạn phản tư về những trải nghiệm của mình, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau để giúp bạn thu thập thông tin chi tiết về mục đích của mình:
- Trải nghiệm này đã hình thành nên con người tôi như thế nào? Nó đã tác động đến hệ giá trị và thế giới quan của tôi như thế nào?
- Điều gì là thử thách lớn nhất đối với tôi trong trải nghiệm này? Điểm mạnh nào đã được bộc lộ khi tôi vượt qua những thử thách này? Làm cách nào tôi có thể đảm bảo rằng những người khác không gặp phải những thử thách tương tự?
- Một số món quà của trải nghiệm này là gì? Tôi biết ơn ai và tôi muốn đền đáp bằng cách nào?
Điều quan trọng hơn nữa là sự phản tư của bạn phải vượt ra ngoài bản thân mình và giúp bạn kết nối với những sứ mệnh to lớn hơn của mình trên thế giới này. Vì vậy, bạn có thể suy nghĩ một cách nghiêm túc về những gì đang diễn ra xung quanh mình và cách bạn có thể tạo tác động lên nó. Kiểu “suy nghĩ phản tư” này rất quan trọng để xác định mục đích của bạn. Những câu hỏi sau đây có thể giúp kích hoạt những suy ngẫm này:
- Vấn đề nào ảnh hưởng đến người khác khiến tôi mất ngủ vào ban đêm?
- Vấn đề địa phương hoặc toàn cầu nào mà tôi có khả năng giải quyết tốt nhất với thế mạnh và kỹ năng của mình?
- Những mục tiêu và tham vọng mới xuất hiện của tôi có thể gây tổn hại hoặc mang lại lợi ích cho người khác theo những cách nào?
Câu trả lời của bạn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các khía cạnh của trải nghiệm mà bạn thích nhất, rút ra ý nghĩa từ đó và muốn tiếp tục theo đuổi nó.
3) Chia sẻ về mục tiêu cuộc sống của bạn và thu thập ý kiến phản hồi.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, những người có ý thức mạnh mẽ về mục đích sống cũng cho biết họ thường xuyên nói về mục tiêu cuộc sống và sở thích của họ với bạn bè. Họ cảm thấy những cuộc trò chuyện này giúp họ được nghe thêm về các quan điểm đa dạng và giúp họ nhìn nhận mục tiêu của mình dưới một góc nhìn mới. Như một sinh viên đã nói: “Khi chúng tôi chia sẻ mục tiêu của mình với nhau, tôi nghĩ điều đó thực sự giúp chúng tôi hiểu được lý do tại sao mình đang muốn những gì mình muốn trong cuộc sống”. Sinh viên trên cũng trải nghiệm được những lợi ích về mặt cảm xúc như cảm thấy tràn đầy năng lượng: “Khi bạn bè của tôi đam mê và hào hứng với mục tiêu nghề nghiệp của riêng họ, điều đó thúc đẩy tôi hào hứng với mục tiêu nghề nghiệp của mình”. Hoặc bớt lo lắng hơn: “Chúng tôi cùng nhau thảo luận về kế hoạch tương lai, và điều này khiến tôi cảm thấy bình tĩnh hơn một chút về tương lai của mình”.
Dưới đây là một số gợi ý mang tính trò chuyện đời thường (chứ không phải cuộc trao đổi chuyên nghiệp) mà bạn có thể sử dụng để bắt đầu những cuộc trò chuyện kiểu này:
- Gần đây tôi đang suy nghĩ về mục tiêu của tôi trong cuộc sống và muốn chia sẻ suy nghĩ của mình với ai đó. Bạn có thời gian để trò chuyện không? Tôi cũng rất thích tìm hiểu về mục tiêu cuộc sống của bạn.
- Tôi sẽ rất trân trọng nếu có một người có thể đánh giá về bảng tầm nhìn của tôi trong tương lai. Bạn sẽ đảm nhận vai trò này giúp tôi chứ? Tôi sẽ rất vui khi làm điều tương tự cho bạn.
- Tôi đang tò mò là dự định tương lai của bạn là gì? Bạn muốn sống một cuộc sống như thế nào? Điều gì khiến bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng nhất khi bạn nhìn về tương lai?
Ngoài việc thảo luận về mục tiêu của bạn thì cần lưu ý một điều quan trọng khác là tìm kiếm ý kiến phản hồi trong các cuộc trò chuyện này. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những sinh viên có mục đích sống thường dựa vào phản hồi tích cực mà họ nhận được từ cố vấn, phụ huynh, giáo viên và bạn bè để giúp củng cố mục đích của mình.
Ý kiến phản hồi từ người khác thường có thể mang lại những bài học quan trọng về bản thân chúng ta, cho chúng ta thấy đâu là điểm mạnh của chúng ta và hướng sự tập trung của ta vào những lĩnh vực mà ta có thể phát triển mạnh mẽ nhất.
Dưới đây là một số câu hỏi để khám phá những ý kiến phản hồi hữu ích này:
- Bạn đã biết tôi từ lâu rồi. Vậy thì bạn nghĩ một số điểm mạnh lớn nhất của tôi là gì? Tôi thực sự giỏi việc gì?
- Trong mối quan hệ của chúng ta thì bạn nghĩ tôi đã làm cho cuộc sống của bạn tốt lên như thế nào? Có điều gì tôi có thể làm để giúp bạn trở nên tốt hơn mà người khác không làm không?
- Liệu bạn có thấy… khoảnh khắc nào mà tôi tỏa sáng không? Khi nào tôi trông tràn đầy năng lượng và hào hứng nhất?
Đa dạng hóa các hoạt động của bạn
Có thể bạn đã có những hoạt động đa dạng bằng cách này hay cách khác. Ví dụ, bạn có thể tìm kiếm những trải nghiệm mới trong vô thức. Hoặc bạn cũng có thể bạn thích viết nhật ký và thấy việc phản tư là điều dễ dàng. Hoặc có thể bạn là người hòa đồng, luôn mang đến sự chân thành và sâu sắc trong các cuộc trò chuyện với bạn bè.
Tuy nhiên, chìa khóa để thực sự tìm thấy và sống với mục đích của bạn là liên tục tham gia và cân bằng cả ba kiểu hoạt động trên. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc xác định mục đích sống của mình, hãy cân nhắc xem bạn đang ở đâu trên sơ đồ này:
Bạn có thể là một cá nhân có suy nghĩ sâu sắc, luôn nghĩ về mục tiêu và điểm mạnh của mình. Và bạn có thể rất hòa đồng, luôn trò chuyện và học hỏi từ người khác. Tuy nhiên, bạn có thể đang thiếu những trải nghiệm trong cuộc sống. Nếu điều này giống với trải nghiệm của bạn thì bạn có thể là một “kẻ suy nghĩ quá nhiều”. Dựa trên nghiên cứu của chúng tôi, bạn nên tập trung nỗ lực để có những trải nghiệm đa dạng hơn và tìm cách có những hành động cụ thể đối với lĩnh vực mà bạn quan tâm.
Hoặc là có thể bạn đang tích cực có nhiều trải nghiệm trong quá trình khám phá mục đích của mình – luôn chuyển từ trải nghiệm sống này sang trải nghiệm sống khác, nói chuyện với người khác và liên tục nhận được ý kiến phản hồi. Nhưng bạn không dành thời gian cho riêng mình để suy ngẫm và tổng hợp những trải nghiệm này. Nếu điều này có vẻ giống bạn thì có thể bạn đang “hòa nhập xã hội quá mức”. Viết nhật ký chiêm nghiệm có thể giúp bạn cải thiện điều này.
Một khả năng khác là có thể bạn suy ngẫm rất nhiều và có nhiều trải nghiệm với cuộc sống nhưng lại không kết nối đủ nhiều với người khác. Khi bạn bỏ lỡ ý kiến phản hồi từ xã hội, có thể bạn đang quá tập trung vào bản thân. Nếu điều này nghe có vẻ quen quen với bạn thì có lẽ đã đến lúc bạn nên tham gia vào một số cuộc trò chuyện có chủ đích và khám phá những góc nhìn đa dạng.
Nếu như bạn đang thực hiện cả ba hành động này thì có thể bạn đang ở trong “vùng khám phá mục đích lý tưởng” – điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn và có bước tiến lớn trong quá trình tìm ra mục đích của mình.
Khi bạn nắm bắt được những gì bạn đã học được từ quá trình này và bắt đầu tham gia vào quá trình xây dựng nền tảng cho việc khám phá mục đích, thì khả năng cao mục đích của bạn sẽ từ từ được kết tinh. Mục đích sống của bạn có thể trở thành điều gì đó mà bạn có thể trình bày rõ ràng – một tuyên bố sứ mệnh mà bạn có thể đưa vào tiểu sử trên mạng xã hội hoặc trong sơ yếu lý lịch của mình. Hoặc có thể, nó chỉ đơn giản là một điều mà bạn hàng ngày – một la bàn để bạn xác định phương hướng trên hành trình của mình.
Dù thế nào đi nữa, việc khám phá và sống theo mục đích của mình vẫn là một mục tiêu cần theo đuổi suốt đời. Tuy nhiên, việc thực hiện những hành động này không có nghĩa là mục đích của bạn sẽ tự động xuất hiện hay là hành trình của bạn sẽ không gặp khó khăn và bối rối. Nhưng những hành động có chủ đích này có thể giúp bạn xây dựng nền tảng cho những ý nghĩ bất chợt của mình về mục đích và khám phá mục đích sống của mình sâu sắc hơn so với những người khác.
Lời tác giả: Chúng tôi cảm ơn Trường Koç và Quỹ Vehbi Koç vì sự hợp tác và hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu này.
Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Find Your Purpose”, đăng tải trên website của Harvard Business Review bởi nhóm tác giả Ayse Yemiscigil, Melis Sena Yılmaz và Matthew T. Lee.
Được dịch bởi Nguyễn Ngọc Lê Anh
Kênh thông tin liên hệ và kết nối cùng PnB Education:
Website: http://pnb.edu.vn/
Email: [email protected]
Hotline/Zalo: 0986.2010.32 (Ms. Huyền)
Tiktok: https://www.tiktok.com/@haudang.pnb
Youtube: https://www.youtube.com/@pnbeducation
Facebook Page: https://www.facebook.com/TochucgiaoducPnB
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/giaotiepmoingay
Zalo Group: https://zalo.me/g/apfeuq097
Pingback:Mục đích không phải thứ bạn tìm kiếm, mà là thứ bạn xây dựng