Menu Đóng

Giá trị, Đam mê hay Mục đích – Điều gì sẽ dẫn dắt sự nghiệp của bạn?

Tóm tắt:  Khi nhắc đến việc phát triển sự nghiệp thì chắc hẳn là bạn đã nghe qua các lời khuyên như: Hãy xác định giá trị, theo đuổi đam mê và tìm ra mục đích của mình. Nhưng những khái niệm này thực sự có ý nghĩa gì và bạn có thể áp dụng chúng như thế nào để thăng tiến trong sự nghiệp của mình?

    1. Giá trị là nền tảng cho niềm đam mê và mục đích của bạn – chúng xác định điều gì là quan trọng đối với bạn và do đó, có thể ảnh hưởng đến niềm đam mê mà bạn theo đuổi cũng như mục đích bạn muốn thực hiện. Giá trị không chỉ là những khái niệm trừu tượng – chúng phải được thể hiện qua hành động, quyết định và hành vi của bạn. Khi những giá trị của bạn nhất quán với các hành động của mình, bạn sẽ cảm thấy hài lòng và được sống thật với chính mình hơn.
    2. Đam mê là động lực thúc đẩy bạn khám phá và tham gia vào các hoạt động phù hợp với giá trị của mình. Bản chất của niềm đam mê là động lực, cảm xúc mạnh mẽ và mãnh liệt thúc đẩy việc theo đuổi điều gì đó. Đó là sự quan tâm và thích thú sâu sắc, nhiệt thành mà bạn có được từ một hoạt động, mục tiêu hoặc lĩnh vực cụ thể. Việc tìm ra những gì bạn đam mê có thể mang đến cho bạn nhiều thông điệp khác nhau – từ việc giúp bạn tìm được nghề nghiệp yêu thích, đến việc quyết định những hành động tiếp theo trên con đường của mình, đến việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
    3. Mục đích là một khái niệm rộng hơn và sâu sắc hơn, bao gồm cả khái niệm về giá trị và đam mê. Đó là lý do sâu sắc hơn cho sự tồn tại của bạn – đó là cảm giác về ý nghĩa và hướng đi trong cuộc sống, điều mà vượt lên trên cả sự hưởng thụ hay sự thỏa mãn cá nhân. Giống như các giá trị, mục đích của bạn có thể giúp điều hướng hành động của bạn và đóng vai trò giúp bạn tham chiếu cho những quyết định trong sự nghiệp của mình một cách thường xuyên.

Đó có thể là một kim chỉ nam hữu ích cho việc lập kế hoạch dài hạn, giúp bạn hiểu được sự nghiệp của mình dựa trên mục đích cuối cùng của bạn hoặc di sản mà bạn muốn để lại.

Khi nhắc đến việc phát triển sự nghiệp thì chắc hẳn là bạn đã nghe qua các lời khuyên như: Hãy xác định giá trị, theo đuổi đam mê và tìm ra mục đích của mình. Nhưng tất cả chúng ta đều biết việc làm theo lời khuyên này không hề dễ dàng như người ta tưởng.

Việc xác định và thấu hiểu các giá trị, niềm đam mê và mục đích của chúng ta cần có sự làm việc với nội tâm và sự tự khám phá. Quá trình này đòi hỏi chúng ta phải xem xét niềm tin và động lực của mình để hiểu rõ điều gì thực sự quan trọng đối với chúng ta. Và đó mới chỉ là bước đầu tiên.

Ngay cả khi bạn đã hiểu mình thực sự muốn gì rồi thì vẫn sẽ có một thách thức khác, đó là thực thi những khao khát đó trong sự nghiệp của bạn. Bạn nên theo đuổi đam mê hay mục đích của mình? Điều gì sẽ xảy ra nếu giá trị của bạn xung đột với công việc mơ ước của bạn? Có cách nào để điều chỉnh tầm nhìn của bạn về một nghề nghiệp viên mãn với thị trường việc làm không?

Cách duy nhất để trả lời những câu hỏi này là thực sự hiểu các khái niệm về giá trị, niềm đam mê và mục đích, làm rõ quan điểm của riêng bạn về từng vấn đề và suy ngẫm xem chúng có ý nghĩa gì đối với bạn và sự nghiệp của bạn.

Giá trị

Hãy nghĩ về giá trị của bạn như là nền tảng cho niềm đam mê và mục đích của bạn – chúng xác định điều gì là quan trọng đối với bạn và do đó, có thể ảnh hưởng đến niềm đam mê mà bạn theo đuổi cũng như mục đích bạn muốn thực hiện.

của bạn là câu trả lời cho những câu hỏi như “Điều gì quan trọng với bạn trong cuộc sống?” hoặc “Những điều mà bạn không thể chấp nhận được là gì?”. Việc có câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ mang lại sự rõ ràng và định hướng cụ thể khi đưa ra quyết định về sự nghiệp của bạn và có thể giúp bạn cân bằng khi cảm thấy thất vọng hoặc choáng ngợp.

Xác định giá trị của bạn

Để xác định giá trị của bạn, hãy bắt đầu bằng cách viết ra những điều trong cuộc sống quan trọng nhất với bạn. Có thể đó là bạn bè, gia đình, sự ổn định tài chính, sự sáng tạo, tính bền vững – tất cả đều tùy thuộc vào bạn.

Khi nghĩ về danh sách của mình, điều quan trọng là bạn phải thành thật với chính mình và tập trung vào những gì thực sự chân thật nhất đối với bạn. Đừng lo lắng về những giá trị nào sẽ khiến bạn trông đẹp hơn trong mắt người khác – bạn không bao giờ phải cho ai xem danh sách của mình nếu bạn không muốn.

Khi bạn có danh sách các từ, điều quan trọng là bạn phải xác định ý nghĩa của những từ đó đối với bạn. Bạn không cần tìm kiếm định nghĩa trong sách giáo khoa – bạn đang tìm lời giải thích cho việc từng giá trị này có ý nghĩa như thế nào với bạn. Ví dụ, cách tôi xác định giá trị hạnh phúc của mình (niềm vui trong hành trình của tôi) có thể khác với cách bạn định nghĩa về nó.

Hãy nhận thức được rằng có thể mất một khoảng thời gian nhất định để tìm và duy trì các giá trị của bạn. Tôi phải mất một năm liên tục suy ngẫm trước khi cảm thấy vững vàng về chính mình. Bạn có thể bắt đầu với một danh sách các giá trị của mình và vài tháng sau, kết thúc với một danh sách rất khác. Và chúng có thể sẽ thay đổi khi bạn trưởng thành hơn trong cuộc sống và sự nghiệp.

Dù vậy, điều quan trọng là một khi bạn đã xác định được giá trị của mình thì bạn phải thuộc lòng chúng. Đây là một bài kiểm tra dành cho bạn: Nếu tôi đánh thức bạn vào lúc nửa đêm và hỏi bạn giá trị của bạn là gì, bạn có thể liệt kê chúng không? Nếu có thể, bạn sẽ có nhiều khả năng áp dụng chúng một cách hiệu quả hơn.

Áp dụng giá trị của bạn

Bạn cần phải chăm chỉ trong việc tìm kiếm và xác định các giá trị của bạn, nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu. Giá trị không chỉ là những khái niệm trừu tượng – chúng phải được thể hiện qua hành động, quyết định và hành vi của bạn. Khi những giá trị của bạn nhất quán với các hành động của mình, bạn sẽ cảm thấy hài lòng và được sống thật với chính mình hơn. Để gặt hái được những thành quả từ việc xác định giá trị, bạn cũng cần phải sống đúng với các giá trị đó hàng ngày.

Hãy xem xét trường hợp giả định của Val – một sinh viên mới tốt nghiệp. Một trong những giá trị cốt lõi của Val là sự tự do. Đối với cô, tự do nghĩa là sự độc lập trong hành động và ra quyết định. Đây là một điều tối quan trọng đối với cô ấy. Cô nhận thấy rằng khi bị quản lý vi mô trong quá trình thực tập, cô sẽ cảm thấy không vui và không được phát huy đúng khả năng của mình. Mọi người đã nói với cô ấy rằng đây chính là điều mà ai cũng gặp phải khi mới bắt đầu sự nghiệp- bạn cần tuân theo các quy tắc nếu muốn thăng tiến. Cô hiểu rằng mình có thể không có toàn quyền tự do để theo đuổi sự nghiệp hoặc vai trò chính xác mà mình mong muốn, nhưng cô biết có thể tìm được một công việc cho phép cô tự do đưa ra sáng kiến hoặc hành động theo ý tưởng của mình. Khi bắt đầu phỏng vấn xin việc, cô ấy đã đặt câu hỏi cho người phỏng vấn về cách phân công nhiệm vụ, cách xử lý các ý tưởng mới và cơ hội phát triển. Dựa trên câu trả lời của họ, cô có thể loại bỏ các tổ chức và nhà quản lý có khả năng xâm phạm giá trị tự do của cô.

Đam mê

Đam mê là động lực thúc đẩy bạn khám phá và tham gia vào các hoạt động phù hợp với giá trị của mình. Bản chất của niềm đam mê là động lực, cảm xúc mạnh mẽ và mãnh liệt thúc đẩy việc theo đuổi điều gì đó. Đó là sự quan tâm và thích thú sâu sắc, nhiệt thành mà bạn có được từ một hoạt động, mục tiêu hoặc lĩnh vực cụ thể.

Và chính cảm xúc này thường tạo ra mức độ cam kết cao đối với niềm đam mê của mỗi người, ngay cả khi khó khăn. Ví dụ như nhiều nghệ sĩ vẫn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật ngay cả khi họ không bao giờ nhìn thấy lợi ích tài chính trong suốt cuộc đời của mình.

Tìm kiếm niềm đam mê của bạn

Đam mê thường nảy sinh từ bên trong, được thúc đẩy bởi sở thích và mong muốn cá nhân. Đó là điều bạn làm vì bạn thực sự yêu thích nó, không nhất thiết là vì những phần thưởng hay kỳ vọng bên ngoài. Khi bạn đam mê điều gì đó, bạn sẽ bị cuốn vào nó một cách tự nhiên và việc tham gia vào hoạt động đó một cách đơn thuần vì đam mê hoặc theo đuổi sở thích đó thật sự sẽ mang lại phần thưởng xứng đáng.

Những hoạt động hoặc mục tiêu nào trong cuộc sống mang lại cho bạn cảm giác vui vẻ và thỏa mãn chỉ bằng cách tham gia vào chúng mà không có bất kỳ phần thưởng hay áp lực bên ngoài nào? Bạn vẫn sẽ làm điều đó ngay cả khi không có ai theo dõi hoặc không ai phát hiện ra điều đó? Nếu vậy thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn thực sự đam mê nó.

Hãy nhớ rằng bạn có thể có nhiều niềm đam mê trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Ví dụ, bạn có thể đam mê hội họa, nấu ăn và bảo vệ môi trường. Bạn có thể cảm thấy choáng ngợp khi có nhiều niềm đam mê, nhưng hãy biết rằng bạn không cần phải chọn ra một đam mê (trừ khi bạn thực sự muốn). Bạn có thể ưu tiên và tái ưu tiên chúng, đồng thời tạo không gian cho tất cả niềm đam mê của mình theo những tỷ lệ khác nhau và vào những thời điểm khác nhau trong suốt cuộc đời. Bạn có thể chọn một thứ để theo đuổi trong sự nghiệp của mình và tập trung vào những thứ khác ngoài công việc. Hoặc, bạn có thể theo đuổi một đam mê khi bắt đầu sự nghiệp và sau đó thay đổi để thỏa mãn một đam mê khác.

Áp dụng niềm đam mê của bạn

Việc tìm ra đam mê có thể mang đến cho bạn nhiều thông điệp khác nhau – từ việc giúp bạn tìm được nghề nghiệp yêu thích, đến việc quyết định những hành động tiếp theo trên con đường của mình, đến cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Lấy Nisha làm ví dụ: Theo cảm nhận của Nisha, bạn bè cô cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với cô về những vấn đề của họ, và Nisha thích trở thành người lắng nghe họ. Cô rất đam mê việc giúp đỡ người khác và biết mình muốn theo đuổi một nghề nghiệp mà giúp cô kết nối với mọi người. Khi đến lúc phải lựa chọn con đường nghề nghiệp, cô đã làm trái với lời khuyên của gia đình là theo ngành tài chính và nhất quyết tìm kiếm một nghề nghiệp mà cô có thể trực tiếp làm việc để hỗ trợ người khác. Cô tìm hiểu thêm về tâm lý học và phát hiện ra rằng việc trở thành một nhà trị liệu chính là niềm đam mê của cô. Điều này đã dẫn lối cho cô khi cô đưa ra quyết định về chuyên ngành đại học của mình, từ việc có nên theo học trường cao học hay không đến việc những mục tiêu nào sẽ cần được hoàn thành.

Mục đích

Mục đích là một khái niệm rộng hơn và sâu sắc hơn, bao gồm cả khái niệm về giá trị và đam mê. 

Đó là lý do sâu sắc hơn cho sự tồn tại của bạn – đó là cảm giác về ý nghĩa và hướng đi trong cuộc sống, điều mà vượt lên trên cả sự hưởng thụ hay sự thỏa mãn cá nhân. Mục đích thường liên quan đến việc đóng góp cho những giá trị cao cả hơn hoặc phục vụ một sứ mệnh lớn hơn bản thân bạn.

Khám phá mục đích của bạn

Để tìm ra mục đích của mình, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như “Cuối cùng thì vì sao tôi tồn tại?” hoặc “Tôi cảm thấy đặc biệt quan tâm đến những vấn đề xã hội hoặc môi trường nào và những kỹ năng, niềm đam mê hay nguồn lực của tôi có thể góp phần giải quyết những vấn đề này như thế nào?” Đây là những câu hỏi lớn, cần thời gian để suy ngẫm, vì vậy đừng vội vàng.

Mục đích là điều mang tính trọng tâm hơn và cụ thể hơn so với niềm đam mê của bạn. Nó đại diện cho một mục tiêu hoặc sứ mệnh vừa cụ thể, vừa bao quát – đó không phải là một khái niệm mơ hồ, mà là một mục tiêu vừa rõ ràng, vừa chi tiết và vừa giúp bạn có định hướng và ý nghĩa cho cuộc sống của bạn.

Hãy coi mục đích của bạn như là một tuyên bố sứ mệnh cho cuộc đời bạn. Ví dụ: mục đích của ai đó có thể là xóa đói giảm nghèo trong cộng đồng của họ bằng cách cung cấp nguồn tài chính cho các doanh nghiệp với quy mô siêu nhỏ. Trong trường hợp trên, họ có thể nhắm tới mục tiêu làm việc trong ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác để có thể tìm hiểu về hệ thống bên trong đó. 

Áp dụng mục đích của bạn

Giống như các giá trị, mục đích của bạn có thể giúp điều hướng hành động của bạn và đóng vai trò giúp bạn tham chiếu cho những quyết định trong sự nghiệp của mình một cách thường xuyên. Đó có thể là một kim chỉ nam hữu ích cho việc lập kế hoạch dài hạn, giúp bạn hiểu được sự nghiệp của mình dựa trên mục đích cuối cùng của bạn hoặc di sản mà bạn muốn để lại.

Hãy lấy Paola làm ví dụ, cô đã xác định mục đích của mình là tạo ra nhiều cơ hội hơn để giúp đỡ người khuyết tật. Vì Paola đã không hài lòng với sự nghiệp của mình, nên khi đến lúc phải suy nghĩ lại về con đường mình đã chọn, cô đã xem xét lại mục đích của mình. Sự đam mê của cô với thiên nhiên cũng khiến cô tập trung vào việc tiếp cận với các công viên quốc gia hơn, vì vậy cô bắt đầu nghĩ cách để nắm bắt cơ hội này. Cô ấy có thể cố gắng tìm việc làm trong Hệ thống Công viên Quốc gia. Cô ấy có thể làm việc cho một nhóm vận động hành lang hoặc chính phủ để tác động đến các chính sách và nguồn tài trợ. Hoặc cô ấy có thể làm việc cho một công ty thiết kế cơ sở hạ tầng cho người khuyết tật. Đứng giữa các lựa chọn như vậy, cô ấy cũng xem xét về các giá trị của mình – liệu con đường nào sẽ cho phép mình sống đúng với các giá trị của mình về sự ổn định tài chính và gia đình?

Biết rằng việc xét đến mục đích của bạn trong quá trình đưa ra những quyết định trong sự nghiệp có thể sẽ khiến bạn phải ưu tiên sứ mệnh của mình lên trên những lợi ích hoặc sự thoải mái ngắn hạn. Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ những điều không thể thương lượng được (hay còn gọi là giá trị của bạn) và những điều mà bạn sẵn sàng hy sinh để đạt được mục đích của mình. 

Mối liên hệ và sự xung đột giữa giá trị, đam mê và mục đích

Tóm lại, giá trị là những nền tảng bên trong mà không thể thương lượng của bạn, đam mê là những gì kích thích và thúc đẩy bạn, còn mục đích là lý do tồn tại sâu sắc hơn của bạn. Những khái niệm này có mối liên hệ sâu sắc với nhau và việc sống đúng với chúng sẽ mang lại cho bạn cơ hội tốt nhất để có một cuộc sống và sự nghiệp trọn vẹn.

Nhưng không phải lúc nào chúng cũng có được sự liên kết hoàn hảo. Có thể bạn sẽ gặp phải những thử thách khi cố gắng sống đúng với những giá trị, theo đuổi đam mê và tìm ra mục đích của mình. Chúng có thể xung đột với nhau – bạn có thể coi trọng sự đảm bảo tài chính, nhưng niềm đam mê của bạn lại là biểu diễn âm nhạc. Chúng có thể mâu thuẫn với các kỹ năng hiện tại của bạn – niềm đam mê của bạn là phát triển trò chơi điện tử, nhưng bạn không theo học ngành khoa học máy tính. Hoặc chúng có thể xung đột với thị trường việc làm hiện tại – mục đích của bạn là xóa đói nghèo và làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn những gì bạn đã chứng kiến, nhưng tìm được một công việc phi lợi nhuận khó hơn bạn nghĩ.

Tuy nhiên, vẫn có những bước bạn có thể thực hiện để tiến gần hơn đến sự liên kết đó. Nếu bạn là một nhân viên kế toán thích chơi nhạc, bạn có thể xin việc làm kế toán trong một công ty sản xuất âm nhạc và chơi nhạc vào cuối tuần. Nếu bạn đang làm công việc bán hàng nhưng muốn phát triển trò chơi điện tử, bạn có thể nhận công việc bán hàng tại một công ty trò chơi điện tử, đồng thời trau dồi kỹ năng của mình. Và nếu bạn đang muốn tạo ra sự khác biệt trên thế giới trong khi vẫn kiếm được tiền, hãy xem xét một công việc có thể mang lại cho bạn sự ổn định về tài chính và khả năng quyên góp cho các tổ chức phi lợi nhuận.

Khi bạn điều hướng những lời khuyên về sự nghiệp của mình và áp dụng những khái niệm này, hãy hiểu rằng bạn không cần phải xác định hoặc điều chỉnh tất cả một cách hoàn hảo. Bạn có thể cần ưu tiên chúng dựa trên những gì hữu ích nhất cho bạn ở thời điểm hiện tại. Sẽ có những lúc các giá trị là điều thúc đẩy bạn tiến về phía trước, nhưng cũng sẽ có những lúc lại là niềm đam mê hoặc mục đích của bạn.

Thực ra thìgiá trị”, “đam mê hay mục đích chỉ là những từ ngữ – còn việc chúng tác động tới cuộc sống của bạn như thế nào lại tùy thuộc vào những ý nghĩa mà bạn gán cho chúng.  Chúng có ý nghĩa như thế nào đối với bạn và sự nghiệp của bạn đều là do bạn quyết định.

Để cập nhật thêm kiến thức về Phát triển bản thân hiệu quả cùng PnB Compass. Vui lòng click vào đây.

Kênh thông tin liên hệ và kết nối cùng PnB Education:

🌐 Website: http://pnb.edu.vn/

📧 Email: [email protected]

☎ Hotline/Zalo: 0986.2010.32 (Ms. Huyền)

🎙 Tiktok: https://www.tiktok.com/@haudang.pnb

🎬 Youtube: https://www.youtube.com/@pnbeducation

🛎 Facebook Page: https://www.facebook.com/TochucgiaoducPnB

📌 Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/giaotiepmoingay

🏘 Zalo Group: https://zalo.me/g/apfeuq097

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *