Menu Đóng

Bí Quyết Trở Thành Chuyên Gia Giao Tiếp Tại Nơi Làm Việc

Tóm tắt: Chúng ta không sinh ra đã biết cách giao tiếp hiệu quả. Thay vào đó, giao tiếp linh hoạt là một kỹ năng mà hầu như bất kỳ ai cũng có thể học được bằng cách thực hiện các bước sau: chuẩn bị trước khi trò chuyện, đặt câu hỏi sâu trong khi trò chuyện và hỏi(và trả lời) các câu hỏi theo sau trong suốt cuộc hội thoại. Dưới đây là cách để thành thạo từng bước:

Trước khi trò chuyện: Trong khoảnh khắc trước khi bắt đầu trò chuyện, hãy tự mô tả cho mình một vài chủ đề bạn có thể muốn thảo luận. Bằng cách dự đoán những gì bạn sẽ thảo luận, bạn sẽ có nhiều khả năng cảm thấy tự tin và sẵn sàng để có một cuộc trao đổi thú vị.

Trong khi trò chuyện: Hãy đặt những câu hỏi sâu, hoặc những câu hỏi yêu cầu ai đó chia sẻ niềm tin, giá trị và trải nghiệm của họ theo cách hoàn toàn khác so với cuộc sống thông thường của họ. Câu hỏi của bạn có thể nhẹ nhàng như “Ngày hoàn hảo của bạn sẽ như thế nào?” hoặc trầm hơn như “Điều bạn hối tiếc nhất là gì?”

Đặt những câu hỏi theo sau trong suốt cuộc trò chuyện: Điều này cho thấy bạn muốn biết thêm và chúng thường là cách chúng ta kết nối với mọi người trong thế giới thực – bằng cách hỏi ai đó cảm nhận của họ về một điều gì đó, và sau đó tiếp tục với các câu hỏi tiết lộ cảm nhận về điều đó. Chúng sẽ giúp cuộc trò chuyện được kéo dài.

Vào năm 1995, một cặp vợ chồng nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Tiểu bang New York, Stony Brook tên là Elaine và Arthur Aron, ban đầu tự hỏi làm thế nào những người bình thường (như đồng nghiệp tại cơ quan) có thể kết nối với nhau mà không cảm thấy ai đó đang vượt quá giới hạn. Họ đặc biệt quan tâm đến việc xác định xem liệu có cách nào để biến những người xa lạ, chẳng hạn như một người đến từ phòng kế toán hay một người khác đến từ phòng marketing, trở thành bạn bè, bất kể họ có ít hay nhiều điểm chung.

Với mục tiêu tìm ra “phương pháp thực tiễn để tạo ra sự gần gũi”, vợ chồng Aron đã tạo ra một thí nghiệm. Họ đặt hai chiếc ghế trên một tấm thảm màu cam sáng trong một căn phòng không cửa sổ và mời những người lạ, theo cặp, vào ngồi xuống và hỏi nhau một danh sách các câu hỏi. Có tổng cộng lên tới hơn 300 người tham gia nhưng không ai trong số những người tham gia biết nhau trước khi vào phòng, và mỗi buổi thử nghiệm chỉ kéo dài 60 phút. Các câu hỏi đã được các nhà nghiên cứu lựa chọn. Chúng bao gồm từ những câu hỏi vu vơ như :”Lần cuối cùng bạn tự mình hát là khi nào?” đến những câu hỏi sâu sắc như: “Nếu bạn qua đời tối nay mà không có cơ hội để giao tiếp với bất kỳ ai, điều bạn hối tiếc nhất khi chưa nói cho ai biết là điều gì?”.

Sau đó, mỗi cặp tham gia đều ra về đường ai nấy đi. Nhưng khi các nhà nghiên cứu theo dõi lại 7 tuần sau đó, họ phát hiện ra rằng 57% trong số họ đã tìm đến bạn trò chuyện của mình trong những ngày sau buổi thí nghiệm. 35% trong số người tham gia đã tụ tập lại để giao lưu với nhau. Một cặp đã đi ăn tối, sau đó đi xem phim vài lần, và một năm sau, khi họ kết hôn, họ đã mời mọi người trong phòng thí nghiệm đến dự lễ cưới.

Cuối cùng, vợ chồng Aron đã đưa ra một danh sách 36 câu hỏi mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng để gợi lên “sự tiết lộ bản thân cá nhân”. Những câu hỏi này, còn được gọi là những câu hỏi sâu sắc, đã trở nên nổi tiếng trong giới xã hội học, tâm lý học và độc giả với tiêu đề bài báo là “36 Câu Hỏi Dẫn Đến Tình Yêu”.

Trong suốt 3 năm qua, tôi đã khám phá các cuộc nghiên cứu giao tiếp mới và trò chuyện với các học giả như vợ chồng Aron cho cuốn sách “Siêu Giao Tiếp” (Supercommunicators) của tôi. Khi đó tôi đã học được nhiều bài học quan trọng, có lẽ điều quan trọng nhất là: Chúng ta không được sinh ra đã biết cách giao tiếp hiệu quả. Thay vào đó, giao tiếp linh hoạt là một kỹ năng mà hầu như bất kỳ ai cũng có thể học được bằng cách thực hiện các bước sau: chuẩn bị trước khi trò chuyện, đặt câu hỏi sâu trong khi trò chuyện và hỏi (và trả lời) các câu hỏi theo sau trong suốt cuộc hội thoại..

Trong bối cảnh công việc, việc thành thạo từng bước có thể giúp bạn trở thành một người giao tiếp siêu việt – người có thể truyền đạt với hầu hết mọi người, tìm ra cách kết nối ngay cả trong những trường hợp khó xảy ra nhất. Quan trọng hơn, nó có thể giúp bạn xây dựng mối quan hệ lâu dài với mọi người ở tất cả các cấp trong tổ chức của bạn, những mối quan hệ này sẽ sâu sắc hơn một chút so với mối quan hệ công việc thông thường của bạn. Đối với mọi người, nhưng đặc biệt là những nhân viên mới bắt đầu sự nghiệp, những mối quan hệ này rất quan trọng để nâng cao tầm nhìn và ảnh hưởng của bạn. Cuối cùng, chúng có thể giúp bạn phát triển hoặc vượt xa ra khỏi vai trò của mình.

Vậy, làm thế nào để bạn có thể bắt đầu?

Dưới đây là cách để giải quyết từng bước, sử dụng các phát hiện khác nhau từ nghiên cứu của tôi để giúp bạn.

Bước 1: Chuẩn bị trước khi trò chuyện.

Trong một thí nghiệm (chưa được công bố) tập trung vào việc giúp mọi người giảm bớt lo lắng liên quan đến các cuộc trò chuyện, những người tham gia được yêu cầu ghi ra một vài chủ đề họ muốn thảo luận trước khi cuộc thảo luận bắt đầu. Việc này chỉ mất khoảng 30 giây, và thường thì các chủ đề được viết ra thậm chí còn không được đề cập đến một lần khi cuộc trò chuyện bắt đầu.

Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc đơn giản là chuẩn bị một danh sách đã giúp các cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ hơn. Có ít khoảng lặng ngượng ngùng hơn, ít lo lắng hơn, và mọi người nói rằng họ cảm thấy dễ hòa mình hơn sau đó

Tại nơi làm việc, bạn có thể sử dụng chiến lược này trước khi giao tiếp với người mới, đặc biệt nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng về cuộc gặp gỡ. Cho dù bạn đang gặp gỡ quản lý của mình lần đầu tiên, đi uống cà phê với người cố vấn tiềm năng, hay cố gắng kết nối với một người đồng nghiệp mà bạn ngưỡng mộ, thì trong những khoảnh khắc trước khi bắt đầu trò chuyện, hãy nghĩ về một vài chủ đề bạn có thể muốn thảo luận. Cả chủ đề liên quan đến công việc và không liên quan đến công việc đều ổn. Bạn có thể giữ cho nó mang tính tổng quát: Đồng nghiệp của bạn đã làm gì vào cuối tuần, họ nghĩ gì về trận bóng đêm qua, hoặc họ đang mong chờ những dự án nào trong quý này tại công ty.

Lợi ích của việc này là ngay cả khi bạn không bao giờ nói về những điều trong danh sách của mình, bạn vẫn có chúng trong túi phòng trường hợp cuộc trò chuyện rơi vào tình trạng im lặng. Bằng cách dự đoán những gì bạn sẽ thảo luận, bạn sẽ có nhiều khả năng cảm thấy tự tin và sẵn sàng để có một cuộc trao đổi thú vị.

Bước 2: Đặt câu hỏi sâu trong khi trò chuyện.

Khi cuộc trò chuyện bắt đầu tiến triển, hãy đặt một hoặc hai câu hỏi sâu để giúp bạn hiểu biết sâu sắc hơn về đồng nghiệp của mình.

Vậy thì chính xác một “câu hỏi sâu sắc” bao gồm những gì?

Một câu hỏi sâu sắc yêu cầu ai đó mô tả niềm tin, giá trị và trải nghiệm của họ theo cách hoàn toàn khác so với cuộc sống thông thường của họ. Nó có thể nhẹ nhàng như: “Một ngày hoàn hảo của bạn sẽ như thế nào?” hoặc trầm hơn như “Điều bạn hối tiếc nhất là gì?” Một số câu hỏi sâu mà thậm chí nhìn có vẻ không sâu sắc lắm như: “Hãy kể cho tôi về gia đình bạn?” hoặc “Sao hôm nay trông bạn hạnh phúc thế?” Tuy nhiên, chúng là những câu hỏi sâu vì chúng mời người khác giải thích điều gì khiến họ tự hào hoặc lo lắng, vui vẻ hay phấn khích.Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc nghĩ ra một câu hỏi sâu giữa cuộc trò chuyện, hãy nhớ rằng hầu hết mọi câu hỏi đều có thể được chuyển thành một câu hỏi sâu sắc:

Câu hỏi thườngCâu hỏi sâu
Bạn sống ở đâu?Bạn thích gì về khu phố của bạn?
Bạn đã làm việc ở đâu trước đây?Công việc yêu thích nhất của bạn cho đến nay là gì?
Bạn đã học đại học ở đâu?Điều tuyệt vời nhất về thời đại học của bạn là gì?
Bạn có con không?Gia đình bạn như thế nào?
Bạn đã sống ở đây bao lâu rồi?Bạn đã từng sống ở nơi nào tuyệt vời nhất?

Lưu ý: Các câu hỏi về sự kiện (“Bạn sống ở đâu?”) thường dẫn đến ngõ cụt trong cuộc trò chuyện (Tôi sống ở Boston). Tuy nhiên, những câu hỏi tương tự đó, được diễn đạt lại một chút (“Bạn thích gì về khu phố của bạn?”) sẽ mời người khác chia sẻ về bản thân họ (“Tôi thích việc nó gần thành phố, vì tôi thực sự thích đi bộ đến rạp hát trung tâm.”).

Việc đặt một câu hỏi sâu dễ hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Theo Nicholas Epley, giáo sư tại Đại học Chicago, người nghiên cứu về các câu hỏi sâu, đã chia sẻ với tôi. “Ví dụ như khi tôi đi tàu, nói chuyện với những người đang đi làm, tôi có thể hỏi họ, ‘Bạn làm gì để kiếm sống?'” ông nói. “Và sau đó tôi có thể nói, ‘Bạn có yêu công việc đó không?’ hoặc ‘Bạn có ước mơ làm gì khác không?’ Và ngay lúc đó, chỉ với hai câu hỏi, bạn đã chạm đến ước mơ của ai đó.”

Dưới đây là một vài gợi ý để hướng dẫn bạn trong các cuộc trò chuyện của mình:

  • Hỏi về niềm tin hoặc giá trị của ai đó (“Làm thế nào mà bạn quyết định trở thành giáo viên?”)
  • Yêu cầu ai đó đưa ra đánh giá (“Bạn có vui vì đã học luật không?”)
  • Hỏi về trải nghiệm của ai đó (“Chuyến thăm Châu Âu của bạn như thế nào?”)

Những loại câu hỏi này không tạo cảm giác khó chịu. Chúng là lời mời để ai đó chia sẻ niềm tin của họ về giáo dục, những gì họ coi trọng trong công việc, hoặc suy ngẫm về lựa chọn của họ, thay vì chỉ đơn giản mô tả công việc của họ.

Bước 3: Đặt các câu hỏi theo sau.

Một lý do khiến những câu hỏi sâu trở nên hiệu nghiệm là vì chúng đưa ra lời mời, mà không vượt quá giới hạn thành yêu cầu để ai đó tiết lộ câu chuyện cá nhân.

Nhưng bạn nên làm gì sau khi đã đặt một câu hỏi sâu sắc? Làm thế nào để bạn duy trì cuộc trò chuyện?

Vào năm 2016, một nhóm các nhà khoa học từ Harvard đã bắt đầu tự hỏi điều tương tự. Họ đã phân tích hàng trăm cuộc trò chuyện được ghi lại trong các sự kiện như gặp gỡ nhanh, và đánh giá xem cuộc trò chuyện nào thành công (được đo bằng việc mọi người nói rằng họ muốn đi hẹn hò thực sự) và cuộc trò chuyện nào không thành công (mọi người cho biết họ không muốn tiếp tục). Họ phát hiện ra rằng trong những cuộc trò chuyện thành công, mọi người có xu hướng đặt cho nhau những câu hỏi sâu sắc, nhưng cũng có một phát hiện then chốt khác: Những người đối thoại giỏi đã đặt những câu hỏi theo sau cho thấy họ đang thực sự lắng nghe.

Theo Michael Yeomans, một trong những nhà nghiên cứu, thì các câu hỏi theo sau là một tín hiệu cho thấy “bạn muốn biết thêm”. “Chúng cho phép tiết lộ bản thân mà không khiến nó có vẻ như là tự ám ảnh bản thân.”

Như Yeomans chỉ ra, một trong những điều tuyệt vời nhất về các câu hỏi theo sau là chúng cung cấp cho chúng ta cơ hội để đáp lại. Ví dụ, giả sử bạn thân, người cố vấn hoặc sếp của bạn trả lời xong câu hỏi sâu của bạn (“Điều gì tuyệt vời nhất về thời đại học của bạn?”), nhưng lại không hỏi bạn câu hỏi nào. Bạn có thể giữ cho mọi thứ diễn ra suôn sẻ bằng cách tự trả lời câu hỏi đó về mình, và sau đó tiếp theo bằng một câu hỏi sâu khác (“Phần yêu thích nhất của bạn ở trường đại học là trò ném đĩa nhựa? Tôi cũng vậy! Bạn có còn thích chơi trò đó không?”).

Hãy cố gắng điều chỉnh để phù hợp với mức độ nhạy cảm hoặc cởi mở của người khác, và tìm điểm chung giữa bạn và họ. Ngay cả khi bạn đến từ những tầng lớp khác nhau, có thể vẫn có những giá trị, niềm tin và trải nghiệm mà bạn có thể chia sẻ.

Thông thường, đây là cách chúng ta kết nối với mọi người trong thế giới thực – bằng cách hỏi ai đó cảm nhận của họ về một điều gì đó, và sau đó tiếp tục với các câu hỏi tiết lộ cảm nhận của chúng ta. Nó cũng là bí quyết để trở thành một người giao tiếp siêu việt trong công việc và trong mọi lĩnh vực khác của cuộc sống bạn.

Trở thành một người giao tiếp giỏi theo cách này là bước đầu tiên để xây dựng những mối quan hệ lâu dài, những mối quan hệ sẽ giúp bạn tỏa sáng trong vai trò của mình và cung cấp cho bạn những mối quan hệ cần thiết để phát triển.

Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Become a Supercommunicator at Work” đăng tải trên website Harvard Business Review bởi tác giả Charles Duhigg.

Được dịch bởi Nguyễn Đỗ Minh Đức.

Kênh thông tin liên hệ và kết nối cùng PnB Education:

🌐 Website: http://pnb.edu.vn/

📧 Email: [email protected]

☎ Hotline/Zalo: 0986.2010.32 (Ms. Huyền)

🎙 Tiktok: https://www.tiktok.com/@haudang.talent

🎬 Youtube: https://www.youtube.com/@pnbeducation

🛎 Facebook Page: https://www.facebook.com/TochucgiaoducPnB

📌 Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/giaotiepmoingay

🏘 Zalo Group: https://zalo.me/g/apfeuq097

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *